Thành phố Huế là một thành phố trực thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, là một trong những trung tâm về văn hoá – du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của Miền Trung – Tây Nguyên và cả nước.
I. Phạm vi, mục tiêu lập quy hoạch thành phố Huế
Phạm vi lập quy hoạch thành phố Huế giai đoạn 2021 – 2030 bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của thành phố Huế, có diện tích tự nhiên là 72 km², bao gồm 27 phường trực thuộc, có vị trí tiếp giáp:
- Phía đông giáp thị xã Hương Thủy và huyện Phú Vang
- Phía tây và phía bắc giáp thị xã Hương Trà
- Phía nam giáp thị xã Hương Thủy.
Mục tiêu lập quy hoạch thành phố Huế:
- Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm của khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch, khoa học – công nghệ, y tế chuyên sâu, giáo dục – đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.
- Phấn đấu đến năm 2030, Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học – công nghệ, y tế, đào tạo lớn của cả nước và khu vực các nước Đông Nam Châu Á; có quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị – xã hội ổn định, vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện.
II. Thông tin, bản đồ quy hoạch thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế
1. Thông tin, bản đồ quy hoạch phát triển không gian
Phấn đấu xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở hạt nhân, đô thị trung tâm là thành phố Huế, đô thị vệ tinh là thành phố mới Chân Mây – Lăng Cô, các thị xã Hương Thủy, Hương Trà, Thuận An, Phong Điền, và các thị trấn gắn với các điểm dân cư tập trung của các huyện, các khu công nghiệp, khu du lịch. Đẩy nhanh tiến độ hình thành cụm đô thị động lực Huế – Tứ Hạ – Phú Bài – Thuận An – Bình Điền trở thành khu vực nội thị thành phố Thừa Thiên Huế trong tương lai; xây dựng mới thành phố Chân Mây – Lăng Cô và các đô thị Phú Đa, Bình Điền, Phong Thu, Thanh Hà, Vinh Thanh, Vinh Hưng, A Đớt, Hồng Vân…
Thành phố Huế là đô thị trung tâm, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam được tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị hiện đại phù hợp với thành phố Di sản, thành phố Festival, một trung tâm đầu mối giao thương trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây và được phát triển tương xứng với vị trí một trung tâm văn hóa du lịch và giao dịch quốc tế, trung tâm đào tạo đại học, y tế chuyên sâu và y tế chất lượng cao của cả nước, một trung tâm thương mại, dịch vụ của khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Tập trung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô thành một trong những trung tâm giao thương quốc tế lớn, một đô thị hiện đại của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng mang tầm cỡ khu vực, quốc tế, trung tâm vận tải biển. Phát triển Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô trong mối quan hệ, phối hợp với thành phố Huế, Đà Nẵng, các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với các nước trong tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, hành lang kinh tế Đông Tây; đảm bảo hiệu quả kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng, gìn giữ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường.
Đối với vùng đồng bằng: đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để bảo đảm an ninh lương thực, tạo điều kiện vững chắc cho các ngành khác phát triển, tập trung xây dựng tốt hệ thống thuỷ lợi, tăng cường công tác khuyến nông, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng nhanh giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác. Khuyến khích phát triển nghề và làng nghề tiểu thủ công nghiệp gắn với phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; phát triển công nghiệp chế biến nông sản quy mô vừa và nhỏ; từng bước phân bố lại lao động theo hướng giảm tỷ lệ lao động thuần nông, tăng tỷ lệ lao động ngành nghề, dịch vụ trong nông thôn. Phát triển kinh tế gắn với việc xây dựng và phát triển nông thôn mới.
Đối với vùng biển – đầm phá: phát huy mọi tiềm lực và lợi thế, tập trung xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai trở thành vùng phát triển năng động toàn diện bao gồm du lịch, thuỷ sản, nông, lâm, công nghiệp chế biến. Mở rộng các loại hình kinh tế trang trại, kinh tế vườn, vườn rừng, phát triển mô hình kinh tế trang trại trên vùng cát nội đồng; giải quyết cơ bản khâu thuỷ lợi và nước sinh hoạt cho nhân dân vùng cát.
Đối với vùng gò đồi, miền núi: xây dựng và phát triển theo hướng bền vững, hình thành một vùng kinh tế nông – lâm – công nghiệp chế biến gắn với phát triển dịch vụ và du lịch. Xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu A Đớt, phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Gắn phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng – an ninh, xây dựng vùng căn cứ hậu cần, kỹ thuật vững chắc. Thực hiện quy hoạch phát triển dân cư, di dân vào các vùng đệm gần biên giới, vừa khai thác tốt đất trống vừa hình thành các làng bản bảo vệ biên giới tạo thành hành lang kinh tế gắn với an ninh quốc phòng.
2. Thông tin, bản đồ quy hoạch thành phố Huế về sử dụng đất
2.1. Khu vực 4 phường nội thành (khu vực bảo tồn)
Phát triển thành khu trung tâm du lịch, thương mại và dịch vụ. Chú trọng khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống, dịch vụ mang bản sắc Huế để phục vụ du lịch; khôi phục các công trình công cộng, dịch vụ, thương mại vốn có trong khu vực bảo tồn theo đúng với hình thái ban đầu để tiếp tục duy trì sử dụng. Bảo tồn hệ thống đường xá hình mắt cáo hiện tại, cải tạo, nâng cấp, phục hồi hệ thống nước, ao, hồ, công viên. Đồng thời hình thành các tuyến phố thương mại theo hướng vừa kinh doanh vừa giới thiệu về di sản và văn hóa Huế. Sử dụng khu đất và công trình đã được tháo dỡ và di chuyển để phát triển thành không gian xanh, xây dựng hệ thống gắn kết xanh, gắn kết không gian nước, như sông ngòi, hồ, kênh, đường sông, đường biển, hệ thống nước ngầm, qua đó mở rộng không gian chứa lũ, góp phần nâng cao chức năng phòng chống thiên tai. Ưu tiên đầu tư các công trình trong thành nội như: hệ thống thoát nước và vỉa hè 4 phường nội thành, triển khai chỉnh trang, tôn tạo Hộ Thành Hào, sông Ngự Hà, hồ Tịnh Tâm và các hồ khác. Từng bước di dời, tái định cư dân Thượng thành, eo bầu. Bảo tồn, tôn tạo cảnh quan và các di sản văn hóa, phát triển các thiết chế văn hóa – du lịch.
2.2. Khu vực làng nghề truyền thống Kim Long (khu vực bảo tồn)
Duy trì các chức năng vốn có, xây dựng và khai thác các công trình thương mại dịch vụ mang đậm bản sắc văn hóa xung quanh đường Kim Long và khu vực ven mặt nước, cung cấp các dịch vụ du lịch và dịch vụ phục vụ nhu cầu thiết yếu cho khu vực. Mở rộng không gian văn hóa truyền thống như nhà ở truyền thống, quán ăn truyền thống, công trình lưu trú truyền thống để đẩy mạnh chức năng du lịch. Đồng thời thiết lập không gian xanh xung quanh hệ thống sông ngòi và khu vực đường sắt tránh để bảo vệ môi trường sinh sống cho dân cư khu vực.
2.3. Khu vực tái phát triển (Phú Hiệp – Phú Cát – Phú Hậu – Thuỷ Biều)
Định hướng đây sẽ là khu vực dịch vụ du lịch văn hoá có tiêu chuẩn quốc tế. Trên cơ sở bảo tồn và trùng tu mô hình nhà ở hiện nay, cải tạo, nâng cấp và bảo tồn ngôi nhà truyền thống. Triển khai xây dựng các công trình du lịch đa dạng, phong phú như khu nghỉ dưỡng trọng điểm, khu nghỉ dưỡng ven sông tận dụng bãi đất hai bên bờ sông, bãi đất do nhà máy sản xuất xi măng Long Thọ di dời đi. Cùng với việc đẩy mạnh chức năng du lịch trong khu vực, cần mở rộng hiệu quả mối quan hệ tương trợ lẫn nhau giữa các điểm du lịch của đô thị như Kinh thành Huế, chợ Đông Ba, Cồn Hến…Xây dựng hệ thống ao, hồ nhân tạo kết nối với hệ thống thoát nước của khu vực, xây dựng công trìnhvăn hóa, thể dục thể thao, công viên… lấy điểm nhấn là ao, hồ.
2.4. Khu vực phát triển lấp đầy (Thuỷ Xuân-An Tây- Hương Long)
Do áp lực phát triển đô thị nên khu vực này được định hướng phát triển nhà ở mới, đáp ứng nhu cầu sử dụng nhà ở trong tương lai. Trên cơ sở, nâng cấp, mở rộng mạng lưới đường xá hiện có, cải thiện khả năng tiếp cận, lưu thông với khu vực phụ cận và trung tâm thành phố, tối đa hóa hiệu quả sử dụng đất trong khu vực. Đồng thời sử dụng các khu vực đất trống, di dời các khu nghĩa địa trong khu vực để tái phát triển các khu cảnh quan, các công trình công cộng phục vụ lợi ích cho người dân
2.5. Khu vực phát triển mới
Tập trung ở các phường An Đông, An Tây và một phần ở các phường Hương Long, An Hoà, Hương Sơ. Khu vực được xây dựng với định hướng đa dạng như nhà ở, trung tâm thương mại, công trình công cộng, giáo dục, công viên …, đáp ứng nhu cầu gia tăng phát triển của thành phố Huế. Xây dựng hệ thống mạng lưới giao thông với trọng tâm là tuyến đường có lưu lượng giao thông lớn, tuyến đường chuyên dành cho người đi bộ, xây dựng môi trường đô thị sạch đẹp.
2.6. Khu vực phía Bắc Hương Sơ – An Hòa (Khu vực chỉnh trang)
Là khu vực phát triển cụm công nghiệp tập trung và đô thị mới. Đẩy nhanh xây dựng hoàn thiện cụm công nghiệp An Hoà, các khu đô thị mới và dân cư ở Hương Sơ, An Hoà. Tập trung cải tạo và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật như giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước và thông tin liên lạc theo hướng đồng bộ.
2.5. Khu vực phía Nam Sông Hương (Phú Hội, Phú Nhuận, Vĩnh Ninh, Phước Vĩnh)
Là khu vực hành chính, du lịch và dịch vụ. Tổ chức không gian dịch vụ đa ngành chất lượng cao trên các trục đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Đống Đa, Lý Thường Kiệt. Cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng đô thị, chỉnh trang khu phố kiến trúc Pháp. Di chuyển các trụ sở hành chính trên những trục đường này về Khu đô thị mới An Vân Dương để hình thành các trung tâm dịch vụ lớn, chất lượng cao đạt đẳng cấp quốc tế về hội nghị, hội thảo, văn phòng… Hình thành các khu đô thị mới theo hướng văn minh hiện đại tại phía Đông Nam kết nối với khu đô thị biệt thự nhà vườn phía Tây Nam. Đẩy mạnh du lịch của thành phố theo hướng phát triển các hạ tầng du lịch và đa dạng hóa các địa điểm tham quan, cảnh quan du lịch. Đẩy nhanh xây dựng khách sạn cao cấp, phát triển các khu dịch vụ – thương mại cao cấp, xây dựng các trung tâm du lịch ở Trung tâm thành phố. Đầu tư xây dựng các khu dịch vụ, du lịch sinh thái, tổ chức các hoạt động Festival kết hợp trình diễn thủ công mỹ nghệ và giới thiệu văn hóa Huế.
2.6. Các khu vực ven đô
Hướng phát triển là khuyến khích phát triển nghề và làng nghề tiểu, thủ công mỹ nghệ như mộc, điêu khắc… và dịch vụ để từng bưa lao động ngành nghề, dịch vụ. Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển các loại sản phẩm cây trồng có chất lượng cao: thanh trà, hoa, cây cảnh, rau sạch, cá giống… Đẩy nhanh xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế gắn với việc xây dựng và phát triển đô thị.
3. Thông tin, bản đồ quy hoạch giao thông
Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, đảm bảo giao thông thông suốt giữa các vùng trong Tỉnh, giữa các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, gắn với việc khai thác tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây.
Đầu tư xây dựng đường bộ, đường sắt cao tốc, đường Hồ Chí Minh phía Đông, hầm đường bộ đèo Phú Gia, Phước Tượng; nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 49A, mở rộng đường La Sơn – Nam Đông, đầu tư mới đường 71 và 74 nối đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 1A và các cảng biển; đường tới các cửa khẩu S3 và S10 nối với các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông; nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 49B; các cầu vượt đầm phá Ca Cút, Vĩnh Tu, Hà Trung, cầu và đập Cửa Lác; các cầu qua sông Hương, sông An Cựu; hệ thống đường ven biển, đầm phá; hoàn thành hệ thống đường tuần tra biên giới.
Đầu tư mới ga đường sắt Lăng Cô gắn với nhu cầu phát triển khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô và đô thị Chân Mây; di chuyển ga Huế ra khỏi nội đô và nâng cấp thành ga trung tâm của Thành phố; các ga hàng hóa sẽ được đầu tư xây dựng tại ga Hương Thuỷ, Văn Xá và Thừa Lưu. Nâng cấp sân bay quốc tế Phú Bài đáp ứng nhu cầu vận chuyển 2 triệu hành khách/năm và 100 nghìn tấn hàng hóa/năm.
Khai thác có hiệu quả cảng Chân Mây, từng bước đầu tư mở rộng thành cảng trung tâm phân phối quốc tế nối Đông và Tây, cảng hành khách của tuyến cao tốc trên biển; nâng công suất cảng Chân Mây đạt 2,2 đến 2,3 triệu tấn/năm vào năm 2010, đạt 6 triệu tấn/năm vào năm 2020, đủ năng lực đón tàu 50.000 DWT. Mở rộng cảng Thuận An đạt công suất 1,5 triệu tấn/năm, vào năm 2020, đủ năng lực đón tàu 5.000 DWT. Xây dựng cáp quang vào cảng Chân Mây, nghiên cứu xây dựng hệ thống đường ống vận tải xăng dầu, khí hóa lỏng từ cảng Chân Mây đến các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông.
Tập trung mở rộng, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống đường nội thị thành phố Huế và các thị trấn huyện lỵ; phát triển mạng lưới giao thông tiểu vùng, giao thông nông thôn. Hoàn thành nhựa hóa các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ; bê tông hóa giao thông nông thôn.
Đầu tư nâng cấp các tuyến vận tải đường thuỷ, đặc biệt là các tuyến trên sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu, sông Đại Giang, đầm phá Tam Giang – Cầu Hai. Trước mắt tiến hành nạo vét, hoàn thiện mạng lưới báo hiệu và xây dựng các trạm quản lý đường sông và đầm phá. Đầu tư xây dựng các bến tàu, thuyền trên sông, đầm phá, khu neo đậu tránh trú bão.