Gia Nghĩa là thành phố tỉnh lỵ tỉnh Đắk Nông, thuộc vùng Tây Nguyên, Việt Nam. Thành phố nằm trên cao nguyên Mơ Nông và có độ cao trung bình là 600 m so với mực nước biển, cách Thành phố Hồ Chí Minh 225 km, cách thành phố Buôn Ma Thuột 120km, cách thành phố Đà Nẵng 667km và cách thủ đô Hà Nội 1.400 km.
I. Quy mô lập quy hoạch tỉnh Đắk Nông
Quy mô lập quy hoạch tỉnh Đắk Nông bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của tỉnh, bào gồm 1 thành phố và 7 huyện với 71 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 6 phường, 5 thị trấn và 60 xã. Phạm vi lập quy hoạch tỉnh Đắk Nông được giới hạn bởi:
- Phía bắc và đông bắc giáp tỉnh Đắk Lắk
- Phía đông và đông Nam giáp tỉnh Lâm Đồng
- Phía nam giáp tỉnh Bình Phước
- Phía tây giáp tỉnh Mondulkiri của Campuchia với đường biên giới dài khoảng 141 km.
Trong đồ án quy hoạch tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021 – 2035, tầm nhìn đến năm 2050 phần lớn tập trung quy hoạch xây dựng chung thành phố Gia Nghĩa, với phạm vi lập quy hoạch:
- Phía đông giáp huyện Đắk Glong
- Phía tây giáp huyện Đắk R’lấp
- Phía nam giáp huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng
- Phía bắc giáp huyện Đắk Song.
II. Thông tin, bản đồ quy hoạch Gia Nghĩa, tỉnh Đắc Nông
1. Mục tiêu lập quy hoạch thành phố Gia Nghĩa (Đắk Nông)
- Xây dựng thành phố Gia Nghĩa đạt chuẩn đô thị loại II, đáp ứng đủ các điều kiện của thành phố trực thuộc tỉnh
- Phát triển kinh tế xã hội gắn liền với hiện đại hóa, tập trung chủ yếu vào nông nghiệp – công nghiệp – thương mại và dịch vụ, tăng thu nhập, tiến tới nếp sống đô thị hiện đại
- Tiếp tục nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật
- Xây dựng, cải tạo công trình, chỉnh trang cảnh quan làng xóm, đáp ứng các yêu cầu sản xuất và sinh hoạt.
- Thúc đẩy thu hút đầu tư trên nhiều lĩnh vực
2. Thông tin, bản đồ quy hoạch sử dụng đất thành phố Gia Nghĩa
Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế công nghiệp, dịch vụ và hạ tầng đô thị. UBND thị xã Gia Nghĩa đã và đang có những kế hoạch cụ thể về việc sử dụng đất trong năm 2021 và giai đoạn 05 năm tiếp theo từ 2021 – 2025.
Về cơ bản, quỹ đất dành cho quy hoạch phát triển đô thị sẽ được tăng lên. Thị xã sẽ ưu tiên cho cấp đất cho các chủ đầu tư xây dựng dự án dưới hình thức đấu thầu công khai. Ngoài ra, đất dành cho các hạng mục công cộng như: đường, trường, tràm, trung tâm hành chính công,… cũng được mở rộng. Riêng đất nông nghiệp, một phần ở các khu vực dân cư phát triển sẽ được phép chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất vườn hoặc đất thổ cư.
Khu vực 02 xã Đắk Nia, Đắk R’Moan phần lớn diện tích là đất nông nghiệp trồng cây lâu năm. UBND sẽ có những kế hoạch chuyển đổi cây trồng cũng như quy hoạch dân cư, đô thị rõ rệt hơn trong năm 2021 để hạn chế sự quá tải cho các phường trung tâm.
3. Thông tin, bản đồ quy hoạch phát triển không gian tỉnh Đắk Nông
3.1. Định hướng phát triển chung
Hệ thống đô thị vùng tỉnh Đắk Nông đến năm 2035 tầm nhìn đến năm 2050 phát triển theo từng giai đoạn phù hợp với Điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2021-2025; Quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên đến năm 2030; Quy hoạch xây dựng Vùng biên giới Việt Nam – Campuchia; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng Tây Nguyên đến năm 2025, đồng thời phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Đắk Nông đến năm 2025 và toàn vùng.
3.2. Định hướng phát triển không gian vùng:
Căn cứ các yếu tố đặc thù về điều kiện tự nhiên, về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các lĩnh vực phát triển chuyên ngành và định hướng chiến lược phát triển chính của quốc gia, vùng Tây Nguyên… vùng Đắk Nông được phân ra thành các tiểu vùng. Mỗi tiểu vùng không gian kinh tế được gắn với sự phát triển của các đô thị động lực trung tâm vùng và các đô thị nhỏ có chức năng dịch vụ tổng hợp, chuyên ngành.
a. Tiểu vùng phía Bắc:
Bao gồm thị xã Đắk Mil, Huyện Cư Jút, Huyện Krông Nô. Đây là vùng có tiềm năng trồng lúa nước, phát triển cây lương thực, cây công nghiệp ngắn và dài ngày; Khu công nghiệp Tâm Thắng là địa bàn tập trung thu hút đầu tư phát triển mạnh công nghiệp; có các công trình thủy điện, vùng lòng hồ Thủy điện Buôn Kuốp; có Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Đắk Per, có nhiều điểm du lịch hấp dẫn như hang động núi lửa Krông Nô,…thuận lợi cho việc mở rộng thương mại và phát triển du lịch, dịch vụ.
Trung tâm tiểu vùng phía Bắc là thị xã Đắk Mil (dự kiến nâng cấp lên thị xã trước năm 2025); các đô thị khác như đô thị EaT’Ling, thị trấn Đắk Mâm, xây dựng một số đô thị mới như đô thị Đắk R’La, đô thị Nam Dong sẽ là các hạt nhân kinh tế thúc đẩy khu vực nông thôn phát triển.
Đầu tư và phát triển du lịch khu vực công viên địa chất núi lửa Krông Nô là hạt nhân quan trọng trong việc phát triển du lịch của vùng.
b. Tiểu vùng trung tâm:
Bao gồm thành phố Gia Nghĩa, Huyện Đắk GLong và Huyện Đắk Song. Đây là tiểu vùng có tiềm năng, thế mạnh phát triển công nghiệp, là các địa bàn có khả năng thu hút nhiều dự án phát triển công nghiệp từ các tỉnh miền Đông Nam Bộ, đặc biệt là từ thành phố Hồ Chí Minh; có nhiều tiềm năng thủy điện, khai thác bôxít, khoáng sản quý hiếm, thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp – TTCN Đắk Ha; có tiềm năng đất đai trồng cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, điều, tiêu, chăn nuôi đại gia súc và trồng rừng nguyên liệu.
Trung tâm tiểu vùng trung tâm là thành phố Gia Nghĩa – Tỉnh lỵ của Tỉnh (dự kiến nâng cấp lên thành phố trước năm 2025) là động lực kinh tế thu hút và lôi cuốn các vùng lân cận cũng như toàn tỉnh phát triển. Các thị trấn Đức An, thị trấn Quảng Khê, đô thị Quảng Sơn, đô thị Nâm N’Jang và khu vực có tốc độ đô thị hóa cao là các đô thị hạt nhân với chức năng kinh tế – kỹ thuật – dịch vụ thúc đẩy các khu vực nông thôn phát triển.
Định hướng phát triển kinh tế ưu tiên đầu tư phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông, lâm sản, các khu nông nghiệp chất lượng cao.
Khai thác các lợi thế về cảnh quan thiên nhiên Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng, Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung. Khôi phục, phát huy và khai thác bản sắc văn hóa các dân tộc thông qua các hoạt động du lịch trải nghiệm gắn kết đời sống, lao động sản xuất của người dân.
c. Tiểu vùng Tây Nam:
Bao gồm thị xã Đắk R’Lấp, Huyện Tuy Đức. Đây là vùng cửa ngõ phía Tây Nam của tỉnh gần các tỉnh miền Đông Nam Bộ và TP. Hồ Chí Minh là các địa bàn có công nghiệp phát triển mạnh, nguồn vốn đầu tư có thể kêu gọi để thu hút đầu tư vào vùng; có tuyến đường Hồ Chí Minh chạy qua; có sân bay Nhân Cơ có thể khôi phục và mở rộng thành sân bay dân dụng; có tiềm năng về thủy điện, khai thác bôxít; có cửa khẩu quốc tế Bu Prăng nằm trên tuyến đường nối Tỉnh Đắk Nông với các tỉnh Mondulkiri và Rattanakiri của Campuchia. Trong vùng còn nhiều tiềm năng đất, rừng chưa khai thác, đất đai khí hậu rất phù hợp với phát triển cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, điều, tiêu, phát triển chăn nuôi đại gia súc với quy mô tập trung, nguồn nguyên liệu dồi dào cho công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Đó là các điều kiện thuận lợi cho phép tiểu vùng phía Tây Nam có thể phát triển thành vùng kinh tế năng động trong tương lai.
Trung tâm tiểu vùng phía Tây Nam là thị xã Đắk R’Lấp (dự kiến nâng cấp lên thị xã trước năm 2025); Các đô thị khác như thị trấn Đắk Buk So huyện Tuy Đức, nâng cấp và xây dựng một số đô thị mới như đô thị Đạo Nghĩa, đô thị Đắk Ru và một số trung tâm kinh tế – kỹ thuật liên xã, tạo những hạt nhân kinh tế thúc đẩy các khu vực nông thôn phát triển.
Định hướng phát triển kinh tế trong thời gian tới trong tiểu vùng là ưu tiên đầu tư phát triển mạnh công nghiệp. Trung tâm phát triển công nghiệp khai thác, chế biến và các ngành công nghiệp khai thác bôxit, sản xuất Alumin và ngành luyện nhôm để trở thành vùng trung tâm công nghệ khai thác chế biến Bô-xít – Nhôm của Việt Nam.