Bà Rịa – Vũng Tàu là một tỉnh ven biển thuộc vùng Đông Nam Bộ, Việt Nam. Bà Rịa – Vũng Tàu thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hoạt động kinh tế của tỉnh trước hết phải nói về tiềm năng dầu khí. Trên thềm lục địa Đông Nam Bộ, tỉ lệ các mũi khoan thăm dò, tìm kiếm gặp dầu khí khá cao, tại đây đã phát hiện các mỏ dầu có giá trị thương mại lớn.
I. Phạm vi lập quy hoạch tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thuộc vùng Đông Nam Bộ, có vị trí địa lý:
- Phía bắc giáp tỉnh Đồng Nai.
- Phía tây giáp Thành phố Hồ Chí Minh.
- Phía đông giáp tỉnh Bình Thuận và Biển Đông.
- Phía nam giáp Biển Đông.
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 8 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc, bao gồm 2 thành phố (Thành phố Bà Rịa và Thành phố Vũng Tàu), 1 thị xã và 5 huyện với 82 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 29 phường, 6 thị trấn và 47 xã.
II. Thông tin, bản đồ quy hoạch Bà Rịa Vũng Tàu
1. Thông tin, bản đồ quy hoạch chung tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu
1.1. Quy hoạch sử dụng đất Bà Rịa Vũng Tàu
Bà Rịa – Vũng Tàu nằm trong khu vực tứ giác kinh tế của khu vực trọng điểm phía nam và là một trong những khu vực đầu tư đầy tiềm năng của khu vực.
Theo quy hoạch mới, diện tích Vũng Tàu trong tương lai mở rộng hơn 1.000 ha so với quy hoạch cũ. 7 khu vực bao gồm khu đảo Long Sơn, Gò Găng, Bắc Phước Thắng, khu vực công nghiệp – cảng, khu đô thị hiện hữu, khu Bắc Vũng Tàu và khu phát triển du lịch ven biển Chí Linh – Cửa Lấp.
Trong đó riêng khu Chí Linh – Cửa Lấp sẽ phát triển khu hỗn hợp với các chức năng chủ yếu gồm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, sân golf, khu dân cư đô thị, dịch vụ thương mại và các không gian mở công cộng, quảng trường biển . Các khu vực gắn liền với không gian biển ưu tiên phát triển du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, quảng trường và không gian mở dành cho cộng đồng.
Tổng diện tích đất khu này khoảng 1.114 ha, trong đó đất xây dựng đô thị khoảng 1034 ha, tỷ trọng quỹ đất phát triển du lịch, dịch vụ thương mại và quảng trường biển chiếm tối thiểu 50% diện tích đất xây dựng đô thị hỗn hợp trong khu vực. Quy mô dân số tối đa khoảng 45.000 người.
1.2. Quy hoạch giao thông
Điểm nhấn trong quy hoạch hệ thống giao thông tại Bà Rịa – Vũng Tàu chính là mục tiêu hình thành 3 cụm cảng chính để đẩy mạnh khai thác và tăng cường các hoạt động phát triển xuất nhập khẩu cho khu vực. 3 cụm cảng được quy hoạch là Cảng Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu, bên cạnh đó khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải được phát triển để trở thành cửa ngõ quốc tế cho khu vực Kinh tế trọng điểm Phía Nam.
Quy hoạch hệ thống giao thông tại Bà Rịa – Vũng Tàu:
Với mức đầu tư gần 1 tỷ USD, 20 công trình giao thông sẽ được đầu tư để hoàn thiện và tăng khả năng kết nối trong toàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và các khu vực lân cận.
- Quốc lộ 56 kết nối Long Khánh – Vũng Tàu
- Quốc lộ 51 kết nối Thành phố Hồ Chí Minh – Vũng Tàu
- Cao tốc Bến Lức – Long Thành
- Đường Xuyên Á
- Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu
- Dự án đường Vành đai 4, nối Bà Rịa – Vũng Tàu tới Trảng Bom (Đồng Nai) và Phú Mỹ (Tân Thành).
- Đường hầm xuyên biển kết nối Cần Giờ – Vũng Tàu
- Đường Cầu Cháy, Nguyễn Hữu Cảnh, Hàng Điều,…
- Đường 991B
- Đường Tỉnh lộ 328
- Sân bay lưỡng dụng Hồ Tràm, sân bay Côn Sơn, sân bay Gò Găng, sân bay quốc tế Long Thành
1.3. Quy hoạch hạ tầng
Bà Rịa – Vũng Tàu được định hướng sẽ phát triển trở thành trung tâm kinh tế, đô thị vệ tinh của Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, với tiềm năng ấn tượng về công nghiệp – nông nghiệp, xuất nhập khẩu biển, du lịch, vấn đề quy hoạch hạ tầng là vấn đề vô cùng cấp thiết trong sự phát triển của khu vực trong tương lai.
Một số khu vực nghỉ dưỡng, đầu tư hạ tầng tại Bà Rịa – Vũng Tàu:
- Safari Hồ Tràm của Chủ đầu tư Novaland, Vidotour
-Khu phức hợp du lịch Núi Dinh Chủ đầu tư FLC
- Công viên thể thao Phú Mỹ 3
- Công viên Bàu Trũng
- Công viên Bàu Sen
2. Thông tin, bản đồ quy hoạch thành phố Bà Rịa
2.1. Mục tiêu quy hoạch thành phố Bà Rịa
Với những mục tiêu rõ ràng để phát triển thành đô thị loại I, các cấp chính quyền tại Thành phố Bà Rịa đã và đang xây dựng thành công những nhiệm vụ trọng tâm đề ra từ đầu năm 2018 đến năm 2025.
Thành phố Bà Rịa là trung tâm hành chính – chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội của Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Là hạt nhân thúc đẩy quá trình đô thị hoá của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Tính chất của thành phố được khẳng định:
- Là trung tâm thương mại dịch vụ của tỉnh và của tiểu vùng.
- Là trung tâm giáo dục – đào tạo, nghiên cứu khoa học của tỉnh và của tiểu vùng.
- Có vị trí quan trọng về an ninh Quốc phòng.
Thành phố Bà Rịa có vai trò quan trọng trong việc kết nối về không gian kinh tế giữa các trung tâm công nghiệp của tỉnh và thực hiện vai trò cung ứng các sản phẩm dịch vụ cho các khu công nghiệp, cung ứng vật tư đồng thời tiêu thụ nông sản cho sản xuất nông nghiệp, cung ứng hàng hóa tiêu dùng cho các huyện lân cận.
2.2. Thông tin, bản đồ quy hoạch chi tiết thành phố Bà Rịa
Về quy hoạch kiến trúc cảnh quan đô thị: Phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phải hài hòa giữa không gian xây dựng và không gian cảnh quan, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, xây dựng thành phố Bà Rịa trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc dân tộc.
Phát triển bền vững, có môi trường xanh, sạch, đẹp, kiến trúc cảnh quan đậm nét đặc thù của miền Đông Nam Bộ. Đưa thành phố Bà Rịa thành đô thị theo cấu trúc tập trung – không gian mở theo định hướng quy hoạch – để khẳng định vai trò vị thế của đô thị trong vùng tạo sức hấp dẫn đầu tư; Phát triển thành phố.
Về phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị: Tập trung đầu tư vào một số khâu trọng tâm như: Ngầm hóa toàn bộ hệ thống cấp điện và cáp quang , đầu tư xây dựng hệ thống cống hộp của Rạch Thủ Lựu, nâng cấp mở rộng đường Cách mạng tháng Tám – là trục đường chính của trung tâm nội thị; tập trung đầu tư các tuyến đường giao thông đô thị, nhằm đẩy nhanh phát triển kinh tế – xã hội và bộ mặt đô thị như: Đường Trần Hưng Đạo, Võ Thị Sáu và đường Nguyễn Tất Thành nối dài, đường trục chính xã Tân Hưng giai đoạn 2,…
Xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng cơ sở của 1.680 ha tại khu đô thị mới kết hợp du lịch sinh thái khu vực phía Nam rừng ngập mặn , hình thành khu đô thị mới phía Nam QL51 bao gồm hạ tầng kỹ thuật, khu nhà ở, trường học, khu dịch vụ thương mại,…
Về lĩnh vực phát triển văn hóa – xã hội: Tập trung hoàn thành các Chương trình, Đề án phát triển sự nghiệp văn hóa – xã hội theo Nghị quyết của Đảng bộ thành phố Bà Rịa đã đề ra như:
- Đề án xây dựng nông thôn mới,
- Đề án nâng cao chất lượng danh hiệu thành phố Văn hóa
- Đề án phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi; đầu tư xây dựng, nâng cấp các trường lớp đạt mục tiêu 100 % trường đạt chuẩn Quốc gia; thực hiện tốt các chính sách “Đền ơn đáp nghĩa”, chính sách đảm bảo an sinh xã hội.
3. Thông tin, bản đồ quy hoạch thành phố Vũng Tàu 2021
3.1. Phạm vi quy hoạch thành phố Vũng Tàu
Phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ phạm vi hành chính thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, với tổng diện tích khoảng 15.043 ha. Ranh giới cụ thể được giới hạn như sau:
- Phía Đông và Nam giáp biển Đông và một phần huyện Long Điền.
- Phía Tây giáp vịnh Gành Rái.
- Phía Bắc giáp thành phố Bà Rịa và một phần thị xã Phú Mỹ.
3.2. Mục tiêu quy hoạch thành phố Vũng Tàu
- Là trung tâm kinh tế, văn hóa, dịch vụ công cộng và đầu mối giao lưu quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
- Là trung tâm du lịch, thương mại – tài chính – ngân hàng, dịch vụ hậu cần thủy hải sản, dịch vụ hàng hải, phát triển cảng biển, dịch vụ khai thác và chế biến dầu khí của cả nước.
- Có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường biển.
3.3. Định hướng quy hoạch hệ thống giao thông Thành phố Vũng Tàu
- Đường bộ: Xây dựng đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu; nâng cấp quốc lộ 51 theo định hướng giao thông vùng, kết nối thành phố với các đô thị khác trong tỉnh và vùng thành phố Hồ Chí Minh.
- Đường sắt: Xây dựng tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu phù hợp, thống nhất với quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam. Quy mô và vị trí tuyển, ga cụ thể tuân thủ các quy hoạch chuyên ngành được duyệt.
- Đường hàng không: Thực hiện theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không Việt Nam và các quy hoạch vùng có liên quan.
- Đường thủy nội địa: Xây dựng hệ thống cảng thủy nội địa theo quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải, khai thác hiệu quả các luồng tuyến chính trên sông Dinh; sông Mũi Giùi; sông Rạng; sông Chà Và; sông Ba Cội; sông Cỏ May – Cửa Lấp; sông Sao; Rạch Tre và Rạch Bến Đình.
- Đường biển: Xây dựng và phát triển cảng biển theo quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải, kết nối đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa. Các khu bến cảng chính gồm: Sao Mai – Bến Đình, Long Sơn, cảng trên sông Dinh và hệ thống các bến tàu khách, bến du thuyền tại bãi Dâu và Bãi Trước.
- Nâng cấp, chỉnh trang hệ thống đường giao thông đô thị hiện có. Tiếp tục xây dựng, cải tạo, hoàn thiện các tuyến đường trục dọc; phát triển bổ sung mạng lưới trục ngang kết nối khu vực trung tâm với khu vực ven biển. Tỷ lệ đất giao thông, giao thông tĩnh và mạng lưới đường đô thị tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành và các tiêu chí đô thị loại I.
- Giao thông công cộng: Phát triển hệ thống giao thông xe buýt đảm bảo phục vụ nhu cầu đô thị và liên kết với khu vực lân cận. Chú trọng phát triển hệ thống mạng lưới xe buýt kết nối các khu vực trong đô thị, tiếp cận thuận tiện với các trung tâm đô thị phát triển mới.