Trong khi thị trường bất động sản TP.HCM giảm nhiệt vì quỹ đất bị siết chặt thì Long An lại hứa hẹn “bứt phá” trong dịp cuối năm.
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nối với các cửa ngõ lớn của TP.HCM cùng tốc độ phát triển kinh tế nhanh, Long An được xem là “vùng tam giác vàng” để đầu tư phát triển và là cầu nối giữa TP.HCM – ĐBSCL.
Long An hưởng lợi lớn từ hệ thống đường cao tốc cho kế hoạch phát triển toàn diện kinh tế – xã hội. Đặc biệt, theo đề án quy hoạch vùng TP.HCM, ba huyện Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa trong tương lai sẽ là đô thị vệ tinh của TP.HCM.
Về cơ sở hạ tầng, Long An là một trong những tỉnh dành ngân sách đầu tư cho cơ sở hạ tầng lớn nhất cả nước. Trong đó, mạng lưới đường bộ tỉnh gồm các tuyến cao tốc và 4 tuyến quốc lộ:
Tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương đưa vào khai thác, Quốc lộ 1A hoàn thành đầu tư mở rộng, dự án Quốc lộ N2 hoàn thành xây dựng đoạn Đức Hòa – Mỹ An. Tuyến N2 đóng vai trò trục mới của vùng ĐBSCL, với điểm đầu tại huyện Củ Chi (TP.HCM) đi xuyên qua vùng Đồng Tháp Mười. Hai tuyến Quốc lộ 50 và 62 đang được mở rộng và nâng cấp.
Bên cạnh cao tốc TP.HCM – Trung Lương, Long An còn có tuyến cao tốc khác là Bến Lức – Long Thành đang được thi công xây dựng. Dự án này sẽ kết nối địa bàn các huyện Bến Lức, Cần Giuộc của tỉnh Long An, huyện Bình Chánh, Cần Giờ của TP.HCM và huyện Nhơn Trạch, Long Thành của tỉnh Đồng Nai.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận định, thị trường bất động sản Long An đang đối diện nhiều cơ hội tăng trưởng.
“Nếu so với các tỉnh thành khác, Long An là đơn vị hành chính đông thứ 18 về số dân. Trong bảng xếp hạng về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Việt Nam năm 2018, tỉnh Long An xếp ở vị trí thứ 2 trong 13 tỉnh miền Tây và thứ 3 cả nước.
Cũng theo một báo cáo từ Văn phòng UBND tỉnh Long An, hiện toàn tỉnh có 28 khu công nghiệp và 32 cụm công nghiệp với diện tích khoảng 13.500 hecta. Trong đó, 16 khu công nghiệp đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trên 68% và 14 cụm công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy khoảng gần 90%. Tất cả những điều này minh chứng cho sức hút đầu tư tại tỉnh Long An là vô cùng lớn”, ông Châu nói.
Cũng theo ông Châu, do tính chất “láng giềng” với TP.HCM, Long An ít nhiều hưởng lợi từ các công trình giao thông – đô thị mở rộng của tỉnh này. Thêm vào đó, chính sách thu hút đầu tư cực thuận lợi của Long An khiến nhiều nhà đầu tư các ngành nghề quan tâm.
Đơn cử tại huyện Đức Hòa, hiện nay có hơn 10 khu công nghiệp (KCN) lớn nhỏ và cụm công nghiệp dẫn đầu khu vực về thu hút vốn FDI.
Một khảo sát thực tế với 100 nhà đầu tư ở TP.HCM cho thấy, có khoảng 80% nhà đầu tư có ý định mua bất động sản tại Long An vào dịp cuối năm để kịp hoàn thiện, dọn vào ở trước Tết Nguyên Đán Canh Tý 2020.
Chuyên gia bất động sản Phan Công Chánh cho rằng, mặc dù thị trường BĐS Long An trong giai đoạn đầu năm 2019 đến nay đang chững lại nhưng cá nhân ông dự đoán quý 4/2019 thị trường sẽ có chiều hướng khởi sắc hơn.
“Tâm lý chung của người Việt từ trước tới nay thường mua nhà để đón Tết. Bên cạnh đó, nguồn kiều hối cũng bắt đầu đổ về vào dịp cuối năm. Trong khi đó, giá BĐS ở TP.HCM quá cao nên BĐS vùng ven sẽ là lựa chọn chính“, ông Chánh phân tích.