Thành phố Đồng Hới là một thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Bình ở vùng Bắc Trung Bộ, Việt Nam. Thành phố Đồng Hới nằm giữa Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh và bên tuyến đường sắt Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh với ga Đồng Hới là một trong những ga chính, có sông Nhật Lệ chảy qua.
I. Quy mô, ranh giới lập quy hoạch thành phố Đồng Hới
Theo thông tin quy hoạch được UBND thành phố Đồng Hới cung cấp, phạm vi lập quy hoạch thành phố Đồng Hới bao gồm toàn bộ địa giới hành chính hiện trạng thành phố Đồng Hới với 15 đơn vị hành chính có tổng diện tích tự nhiên 15.587,34 ha, vị trí tiếp giáp:
- Phía Bắc và Tây Tây Bắc giáp huyện Bố Trạch;
- Phía Nam và Tây Nam giáp huyện Quảng Ninh;
- Phía Đông giáp biển Đông với chiều dài 15,7 km.
II. Thông tin, bản đồ quy hoạch thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình
1. Thông tin, bản đồ quy hoạch sử dụng đất thành phố Đồng Hới
1.1. Mục tiêu
Quản lý chặt chẽ tài nguyên đất đai theo quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt; đảm bảo sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả; bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo phát triển bền vững;
Phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực về đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng an ninh, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của thành phố;
Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, kế hoạch sử dụng đất năm 2021 thành phố Đồng Hới nhằm phát huy tốt nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, chủ động trong công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đảm bảo phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh của thành phố.
1.2. Định hướng sử dụng đất theo khu chức năng
1.2.1. Định hướng sử dụng đất nông nghiệp
a. Định hướng phát triển và sử dụng đất trồng cây hàng năm
Phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Áp dụng các tiến bộ KHKT, khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản.
– Khu vực chuyên trồng lúa nước: Tập trung trên các vùng đất bằng thấp, có nước tưới chủ động. Khu vực chuyên trồng lúa tập trung ở các xã, phường như Lộc Ninh, Đức Ninh, Đức Ninh Đông, Phú Hải. Đẩy mạnh thâm canh, sử dụng giống lúa năng suất và chất lượng nhằm đảm bảo an ninh lương thực cục bộ và nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
– Bố trí khoảng 5 – 10 ha đất trồng hoa cây cảnh ở Bắc Lý, Nam Lý; 50 – 60 ha rau an toàn ở Bảo Ninh, Đức Ninh, Nghĩa Ninh phục vụ cho nhu cầu của nhân dân thành phố.
b. Định hướng phát triển và sử dụng đất trồng cây lâu năm
Tập trung trên các vùng đất có tầng dày trên 70 cm. Khu vực chuyên trồng cây lâu năm tập trung ở vùng gò đồi phía Tây thành phố; ngoài ra còn nằm xen kẽ trong các khu sản xuất nông nghiệp. Phát triển theo hướng kinh tế trang trại chăn nuôi, trồng cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả.
c. Định hướng phát triển và sử dụng đất lâm nghiệp
– Khu vực rừng sản xuất tập trung chủ yếu ở phường Bắc Lý, Bắc Nghĩa, Đồng Sơn, và các xã Lộc Ninh, Bảo Ninh, Nghĩa Ninh và xã Thuận Đức. Tiếp tục huy động các nguồn vốn, các thành phần kinh tế đầu tư khai thác đất chưa sử dụng trong khu vực rừng sản xuất để trồng mới rừng, khoanh nuôi tái sinh phục hồi rừng tự nhiên hiện có. Sử dụng có hiệu quả vốn rừng hiện tại; phát triển rừng sản xuất tạo vùng nguyên liệu; phát triển sản xuất theo hướng lâm – nông và nông – lâm kết hợp trên cơ sở khai thác tài nguyên rừng hợp lý, bền vững.
– Khu vực rừng phòng hộ tập trung chủ yếu ở các xã Bảo Ninh, Quang Phú, Thuận Đức, Lộc Ninh và các phường Hải Thành, Đồng Sơn, Đồng Phú. Hạn chế tối đa việc chuyển diện tích đất có rừng phòng hộ sử dụng vào các mục đích khác, nhất là vành đai phòng hộ xung yếu chắn gió, chắn cát.
1.2.2. Phát triển khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp
– Chú trọng đổi mới công nghệ, đầu tư nâng cấp mở rộng các nhà máy hiện có như: Nhà máy bia Hà Nội – – Quảng Bình, chế biến gỗ, gạch ốp lát, dược phẩm, nhà máy bao bì, nhà máy may xuất khẩu… Kêu gọi các nguồn vốn để đầu tư xây dựng các dự án có công nghệ mới, tiên tiến như: chế biến gỗ MDF, sứ vệ sinh cao cấp, gốm mỹ nghệ xuất khẩu, sứ thủy tinh cách điện, ngói chống rêu cao cấp, gạch ốp lát cao cấp, nhà máy điện tử điện lạnh, nhựa dân dụng và công nghiệp, bột tít và sơn tường, lắp ráp ô tô vận tải hạng nhẹ, chế biến đồ gỗ, ván sàn, chế biến thủy hải sản…
– Hoàn thiện xây dựng hạ tầng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư vào khu công nghiệp Tây Bắc và Bắc Đồng Hới. Xây dựng các cơ chế chính sách và tạo mọi điều kiện để thu hút các dự án đầu tư vào cụm công nghiệp: Bắc Nghĩa, Phú Hải; từng bước quy hoạch và hình thành các cụm công nghiệp Thuận Đức giai đoạn 2, Nghĩa Ninh để phát triển công nghiệp trên địa bàn. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ nhu cầu phát triển CN – TTCN.
Định hướng đất đai cho phát triển khu công nghiệp của thành phố đến năm 2030 khoảng 216,48 ha, bao gồm: Khu công nghiệp Tây Bắc và Bắc Đồng Hới.
Đất cụm công nghiệp: Đến năm 2030 có 83,10 ha gồm: Cụm công nghiệp Bắc Lý, cụm công nghiệp Bắc Nghĩa, cụm tiểu thủ công nghiệp Nam Lý, cụm tiểu thủ công nghiệp phường Đồng Sơn, cụm công nghiệp Phú Hải, cụm công nghiệp Lộc Ninh, cụm công nghiệp Nghĩa Ninh, cụm công nghiệp Quang Phú và cụm công nghiệp Thuận Đức.
1.2.3. Khu vực đô thị – thương mại – dịch vụ
a. Định hướng sử dụng đất phát triển đô thị
Hình thành không gian đô thị với 6 phân vùng:
- Phân vùng trung tâm: sông Cầu Rào là bộ mặt mới của thành phố, tại đây tập trung các chức năng đô thị chính.
- Phân vùng cửa ngõ: khu vực đầu phía Nam và phía Bắc của QL1A và đường tránh QL1A giữ vị trí là cửa ngõ của thành phố, hình thành đô thị mới chào đón nhiều du khách đến thăm.
- Phân vùng công nghiệp: đường Phan Đình Phùng có tính thuận tiện cao trong vận tải hàng hóa, dọc theo đường hình thành khu vực công nghiệp lớn thúc đẩy nền công nghiệp của vùng.
- Phân vùng bảo tồn đất nông nghiệp: khu vực phía Tây đô thị giữ vị trí là khu vực bảo tồn môi trường thiên nhiên trù phú hiện trạng.
- Phân vùng du lịch – nghỉ dưỡng: ven biển phía Bắc là khu vực giải trí thư giãn với bãi biển đẹp và sân gôn.
- Phân vùng đô thị – nghỉ dưỡng: hình thành tại khu vực Bảo Ninh đô thị mới hòa hợp giữa nơi ở, làm việc và du lịch.
Trong những năm tới, cần tiếp tục đầu tư phát triển toàn diện thành phố cả về kinh tế và quy mô diện tích xây dựng đô thị; từng bước xây dựng nơi đây trở thành một trong những đô thị trung tâm, văn minh, điểm du lịch hấp dẫn, có cơ cấu kinh tế hiện đại, có sức lan tỏa mạnh đến các khu đô thị khác trong vùng. Dự kiến quy mô dân số của thành phố đến năm 2030 sẽ đạt khoảng 149.300 người trong đó dân số khu vực nội thị là đạt tỉ lệ khoảng 85%.
Đến năm 2030, tổng nhu cầu đất ở đô thị của toàn thành phố dự kiến tăng thêm khoảng 400,82 ha, đáp ứng cho số dân tăng thêm, các hộ tái định cư và phát triển quỹ đất tạo nguồn thu để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
b. Phát triển và bố trí các khu dân cư nông thôn:
Việc phát triển và bố trí các khu dân cư nông thôn phải phù hợp với chính sách phát triển kinh tế, xã hội, thuận tiện giao lưu kinh tế, văn hóa, chính trị, quốc phòng an ninh, thuận lợi trong sinh hoạt, sản xuất và phát triển kinh tế gia đình.
Đến năm 2030 đất khu dân cư nông thôn của thành phố trên địa bàn 6 xã sẽ phát triển theo các hướng sau:
– Các khu dân cư nông thôn trong vùng đô thị hóa của thành phố được tồn tại và phát triển theo hướng từng bước cải thiện cơ sở hạ tầng kinh tế, đẩy mạnh phát triển các ngành nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, vận tải, văn hóa, giáo dục,… để chuyển hóa cơ cấu lao động, tạo ra sự thay đổi về lối sống; hiện đại hóa hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, từng bước cải tạo làm thay đổi hình thái kiến trúc xây dựng theo hướng các đô thị nhà vườn. Tại các khu vực trung tâm xã bố trí các công trình công cộng dịch vụ, khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, thông tin liên lạc, nhà ở gắn với các hoạt động thương mại, dịch vụ.
Quy hoạch khu trung tâm xã khang trang với đầy đủ các thiết chế hạ tầng xã hội, trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, cơ sở y tế, nhà văn hóa, khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao,… nhằm cải thiện, nâng cao đời sống người dân; từng bước sắp xếp lại các điểm dân cư ven theo các trục lộ giao thông chính.
– Cải tạo, mở rộng các khu dân cư hiện có theo mô hình khép kín khu dân cư, hạn chế hình thành các khu dân cư mới độc lập, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng khu dân cư, giảm chi phí xây dựng mới.
Dự kiến trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, nhu cầu đất ở nông thôn trên địa bàn các xã của thành phố tăng thêm khoảng 623,87 ha.
1.2.4. Định hướng phát triển dịch vụ, du lịch
– Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển và mở rộng mạng lưới thương mại, dịch vụ, xây dựng các siêu thị, trung tâm thương mại, nâng cấp các chợ. Phấn đấu đến năm 2030, hoàn thiện và nâng cấp số chợ đạt tiêu chuẩn loại 1; loại 2 trên toàn thành phố.
– Tạo bước chuyển biến mạnh cho khu vực dịch vụ, ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng lớn và sức cạnh tranh cao. Khai thác có hiệu quả lợi thế về điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hoá, lịch sử để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, xây dựng Đồng Hới trở thành trung tâm du lịch biển chất lượng cao của cả vùng vào năm 2030.
– Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành dịch vụ giai đoạn 2021 – 2025 đạt bình quân 15%, giai đoạn 2026 – 2030 đạt bình quân 14 %. Đến năm 2030 cơ cấu ngành du lịch dịch vụ của thành phố đạt 55 – 50%.
– Xây dựng và tôn tạo các di tích lịch sử, danh thắng để phát triển du lịch như Quảng Bình Quan, Luỹ Đào Duy Từ, thành Đồng Hới, hồ Bàu Tró, cảnh quan hai bên bờ sông Nhật Lệ… Phát triển du lịch sinh thái tại các điểm du lịch: hồ Phú Vinh, khe Lồ Ô, khu Vực Quành. Phát triển du lịch tham quan gắn với di tích chiến tranh, cách mạng như: chiến khu Thuận Đức, Khe Đá… Phấn đấu đến năm 2025 có 1 triệu lượt khách du lịch đến thành phố, trong đó có 95 ngàn lượt khách quốc tế; đến năm 2030 có 1,8-2 triệu lượt khách, trong đó có 280 ngàn lượt khách quốc tế.
2. Thông tin, bản đồ quy hoạch khu đô thị phía Nam thành phố Đồng Hới
Quy hoạch chi tiết khu đô thị tại khu vực xã Lương Ninh, thị trấn Quán Hàu nhằm từng bước triển khai cụ thể hóa định hướng quy hoạch chung thành phố Đồng Hới và vùng phụ cận đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035 được duyệt. Theo đó, lập quy hoạch chi tiết khu đô thị đồng bộ về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật; tổ chức giao thông, quy hoạch các khu chức năng, phân lô đất ở đảm bảo hợp lý về cơ cấu sử dụng đất, kết nối phù hợp với hiện trạng hạ tầng và tôn tạo kiến trúc cảnh quan khu vực.
Thiết kế đô thị:
- Nguyên tắc của thiết kế đô thị: Tuân thủ các chỉ tiêu về mật độ xây dựng, khoảng lùi xây dựng, chiều cao công trình và hệ số sử dụng đất theo quy hoạch được duyệt.
- Nội dung chính của công tác thiết kế đô thị: Định hướng kiến trúc công trình hai bên các tuyến đường, tổ chức không gian các khu vực công cộng, xác định các công trình điểm nhấn, tổ chức các khu công viên cây xanh, quảng trường, bến thuyền và bố trí các tiện ích đô thị phù hợp.
- Quy định về tầng cao, cốt nền, chiều cao tầng 1:
- Công trình thương mại: Công trình khối 1 với chiều cao ≤20 tầng; khối 2 ≤10 tầng; cốt nền từ 0,2m đến 1,5m; chiều cao tầng 1 từ 3,9m đến 4,8m;
- Công trình nhà ở dạng biệt thự: Công trình với chiều cao ≤3 tầng; cốt nền từ 0,2m đến 0,75m; chiều cao tầng 1 từ 3,9m đến 4,2m;
- Công trình nhà ở dạng liên kế: Công trình với chiều cao ≤4 tầng; cốt nền 0,45m; chiều cao tầng 1 3,9m;
3. Thông tin, bản đồ quy hoạch thành phố Đồng Hới khu vực cửa ngõ phía Bắc
Quy hoạch phân khu Khu vực cửa ngõ phía Bắc thành phố Đồng Hới nhằm tổ chức khu đô thị gồm các khu chức năng: Công trình công cộng, văn hóa, công trình thương mại, công trình hành chính, nghỉ ngơi, dịch vụ, nhà ở (nhà lô phố, nhà vườn, biệt thự, chung cư), các công viên, cây xanh – thể dục thể thao; công trình mang tính biểu tượng khu vực đầu cửa ngõ thành phố; tổ chức hệ thống giao thông đầu mối quan trọng vào thành phố. Đồng thời quy hoạch chỉnh trang khu dân cư hiện có thuộc xã Lý Trạch và xã Nam Trạch. Trong đó chủ yếu định hướng phát triển đô thị theo mô hình đô thị du lịch, sinh thái; ưu tiên phát triển các loại hình dịch vụ du lịch và tổ chức các khu ở mới theo hình thức nhà vườn, biệt thự sinh thái mật độ thấp gắn với các không gian xanh tự nhiên trong khu vực.
3.1. Quy hoạch phân khu chức năng:
- Khu vực cửa ngõ phía Bắc thành phố Đồng Hới được chia làm 5 phân khu bằng ranh giới xã phường, các tuyến giao thông chính và trên cơ sở đặc điểm, tính chất, định hướng phát triển từng khu. Mỗi phân khu được bố trí các chức năng sử dụng đất công cộng tương đương với một đơn vị ở cấp tiểu khu.
- Khu vực 1: Nằm về phía Bắc khu vực quy hoạch thuộc xã Nam Trạch, tiếp giáp với xã Đại Trạch, có diện tích khoảng 90,21 ha. Khu vực này có hai mặt tiếp giáp với Sông Dinh và một mặt tiếp giáp với Khe Giao, có lợi thế về cảnh quan sông nước; định hướng phát triển các điểm dịch vụ du lịch, đất ở sinh thái và bố trí một số công trình tạo điểm nhấn cảnh quan cho cửa ngõ phía Bắc khu vực quy hoạch.
- Khu vực 2: Là khu vực thuộc địa bàn xã Lý Trạch, có diện tích khoảng 147,76 ha; toàn bộ ranh giới phía Bắc khu vực tiếp giáp sông Dinh, phía Nam tiếp giáp với trục đường Tỉnh lộ 567, là khu vực đầu mối giao thông giữa tuyến Quốc lộ 1, đường tránh Quốc lộ 1 và đường sắt Bắc Nam. Khu vực này có quỹ đất rộng để bố trí các cụm công trình dịch vụ du lịch, thương mại quy mô lớn và các khu biệt thực sinh thái ven sông; ngoài ra kết hợp tổ chức cảnh quan tạo điểm nhấn tại nút đầu mối giao thông trong khu vực.
- Khu vực 3: Có diện tích khoảng 102,67 ha, là khu vực tập trung đông dân cư hiện hữu. Khu vực này chủ yếu chỉnh trang khu dân cư hiện trạng và bố trí thêm quỹ đất dành cho đất ở mới và đất dịch vụ, thương mại, các công trình công cộng đảm bảo phục vụ cụm dân cư.
- Khu vực 4: Có diện tích khoảng 172,71 ha, khu vực này được xác định là khu trung tâm của toàn khu vực quy hoạch, với tính chất định hướng hình thành khu trung tâm hành chính và văn hóa, du lịch tương đương cấp phường trong tương lai. Tại đây, bố trí các khu đất công trình hành chính, quân sự, thương mại khu ở, cây xanh thể thao. Điểm nhấn cảnh quan của khu vực này là khu đất có diện tích 53,25 ha với chức năng trồng hoa chuyên canh áp dụng công nghệ cao, vừa phục vụ sản xuất, kết hợp với du lịch sinh thái. Mặt khác, khu vực này nằm đầu phạm vi cất hạ cánh sân bay Đồng Hới, góp phần tạo điểm nhấn cảnh quan khi nhìn từ trên cao và phù hợp với yêu cầu về khống chế chiều cao xây dựng.
- Khu vực 5: Có diện tích khoảng 226,65 ha, có vị trí nằm về phía Tây đường Quốc lộ 1 và đường sắt Bắc Nam. Khu vực này kết nối giao thông không thuận lợi (chia tách với các khu vực khác bởi hệ thống đường sắt, đường tránh Quốc lộ 1), do đó chủ yếu phát triển đất ở dân cư mới và tổ chức các chức năng dịch vụ, công cộng đơn vị ở.
3.2. Tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị:
- Một số khu vực lập quy hoạch có hiện trạng là khu dân cư cũ đã phát triển ổn định, việc tổ chức quy hoạch phải kết hợp hài hòa giữa chỉnh trang khu dân cư cũ và kết nối với tổng thể các khu chức năng trong đồ án quy hoạch.
- Tổ chức các khu chức năng trên nguyên tắc sử dụng, phát triển quỹ đất hợp lý, đảm bảo tính khả thi về kinh tế và hạn chế giải toả đền bù.
- Các điểm nhấn về kiến trúc tại các khu vực, vị trí quan trọng được tập trung tổ chức như: Các trục giao thông chính, trục Quốc lộ 1, trục tỉnh lộ kết nối Đông -Tây; trục cảnh quan ven Sông Dinh; khu vực đầu đường cất hạ cánh phía Tây Sân bay Đồng Hới và điểm nhấn cửa ngõ phía Bắc tại nút giao thông đường Quốc lộ 1 và đường tránh. Việc tổ chức không gian trên cơ sở hạn chế tác động đến các khu vực có cảnh quan đẹp, phát huy và khai thác được giá trị tự nhiên, sinh thái vốn có của khu vực.
- Định hướng phát triển một số khu vực theo mô hình đô thị sinh thái với các tiêu chí hiện đại, xanh, sinh thái gắn liền với phát triển bền vững. Phương án tổ chức cảnh quan chú trọng đến tỷ lệ phủ kín cây xanh trong khu vực, diện tích đất cây xanh khu vực lập quy hoạch là 201,62 ha, chiếm 27,25% tổng diện tích. Các mô hình phát triển nhà ở mới chủ yếu là nhà vườn, biệt thự sinh thái có mật độ xây dựng thấp phù hợp với tính chất và cảnh quan khu vực.
- Chỉ giới xây dựng công trình: Phạm vi lập quy hoạch có mật độ dân cư hiện hữu cao, do đó việc quy định chỉ giới xây dựng sẽ không có sự đồng bộ và thống nhất trên các tuyến đường, chỉ giới xây dựng được xác định cụ thể theo các quy chế quản lý quy hoạch – kiến trúc đô thị, các đồ án quy hoạch chi tiết 1/500, các đồ án thiết kế đô thị riêng (sẽ được thiết lập sau khi đồ án phân khu này được phê duyệt).
4. Quy hoạch giao thông thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình
4.1. Giao thông
- Phát triển mạng lưới giao thông nội thị gắn với tổng thể mạng lưới giao thông cả tỉnh, phấn đấu từ nay đến năm 2020 cải tạo, nâng cấp hệ thống các công trình giao thông trên địa bàn vào đúng cấp bậc quy định.
- Chú trọng xây dựng tuyến đường ven biển, đường Trần Hưng Đạo đến đường Hồ Chí Minh nhánh đông, đường nối đường ven biển-Quốc lộ 1A đến đường Hồ Chí Minh.
- Tranh thủ các nguồn vốn Trung ương, tỉnh để đầu tư hoàn thành đường 60m Bảo Ninh, Cầu Nhật Lệ 2, đường 2 bên sông Cầu Rào, đường Nguyễn Thị Định. Đầu tư xây dựng, nâng cấp các tuyến đường và cầu như: đường F325 đi Việt Trung, Đường từ Quang Phú – Lộc Ninh – Khu công nghiệp, Đường Nam Lý – Trung Trương, đường từ Đồng Phú – Hải Thành – Lộc Ninh, đường Bảo Ninh – Cầu Nhật Lệ 2 – Đường tránh Quốc lộ 1A, Cầu Đức Nghĩa…
- Đa dạng hóa vốn đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư đường giao thông nông thôn, vỉa hè đường phố.
4.2. Thủy lợi
- Khai thác có hiệu quả các công trình thủy lợi hiện có như: Hồ Phú Vinh, Hồ Đồng Sơn, Hồ Rào Lụy; nâng cấp hệ thống kênh mương nội đồng và các công trình trên kênh để phát huy hiệu quả công trình.
- Sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn để sớm hoàn thành công trình kè 2 bên sông Cầu Rào, kè phía Đông sông Nhật Lệ, đê ven sông Lệ Kỳ.
- Huy động các nguồn vốn để xây dựng một số tuyến đê kè ven biển Quang Phú, Hải Thành, Bảo Ninh kết hợp xây dựng tuyến đường giao thông.
4.3. Mạng lưới cấp điện
- Phát triển nguồn điện và lưới điện theo quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia và quy hoạch phát triển điện lực Quảng Bình đã được phê duyệt để đáp ứng nhu cầu phụ tải và phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. Hoàn chỉnh mạng lưới phân phối điện cho toàn thành phố, bao gồm đường dây và trạm trung hạ thế theo quy định. Tập trung đầu tư lưới điện cho khu công nghiệp, các khu du lịch và khu đô thị mới.
- Đầu tư hoàn chỉnh hệ thống điện chiếu sáng theo tiêu chí đô thị loại II trước năm 2015 với tỷ lệ đường phố chính được chiếu sáng đạt 100%, tỷ lệ ngõ phố được chiếu sáng đạt 80%.
4.4. Cấp, thoát nước
- Đầu tư đưa công suất cấp nước cho toàn thành phố đến năm 2020 lên 45.000m3/ngày đêm. Tiếp tục cải tạo và thay thế hệ thống cấp nước cũ, đẩy mạnh đầu tư mở rộng các tuyến ống mới; phấn đấu đến năm 2020 toàn bộ các khu dân cư trong thành phố đều có tuyến ống nước chính dẫn đến. Đảm bảo tỷ lệ dân số được cấp nước máy đến năm 2015 là 95%, năm 2020 trên 98%.
- Đến năm 2020, quan tâm đầu tư nhà máy nước Phú Vinh giai đoạn 2 với công suất 17.000 m3/ngày đêm; xây dựng thêm 2 trạm cấp nước tại Thuận Đức và Quang Phú; xây dựng trạm tăng áp đặt tại cầu Dài có công suất 2.000 m3/ngày đêm để cấp nước cho Quán Hàu.
4.5. Thông tin và truyền thông
- Tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng bưu chính viễn thông hiện đại đồng bộ rộng khắp, công nghệ tiên tiến đáp ứng nhu cầu phát triển. Nâng cấp hệ thống tổng đài, tăng dung lượng và hiệu suất sử dụng các trạm chuyển mạch. Phát triển cả hai hình thức cáp nội hạt và vô tuyến, nâng cấp các trạm phát sóng vô tuyến để nâng cao chất lượng phủ sóng.
- Phấn đấu đến năm 2020 có 85 điện thoại cố định, 70 điện thoại di động, 40 thuê bao internet/100 dân.