Buôn Ma Thuột là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Đắk Lắk, Việt Nam. Đây là thành phố lớn nhất ở vùng Tây Nguyên và là đô thị miền núi có dân số lớn nhất Việt Nam. Dưới đây là một số thông tin về bản đồ quy hoạch TP Buôn Ma Thuột.
I. Phạm vi, tính chất lập quy hoạch thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk
Buôn Ma Thuột nằm ở khu vực trung tâm của Tây Nguyên, độ cao 536 m (1.608 ft), cách Hà Nội khoảng 1300 km, cách Thành phố Hồ Chí Minh 350 km, cách Nha Trang khoảng 185 km.
- Thành phố có địa giới hành chính:
- Phía đông giáp huyện Krông Pắk, đông nam giáp huyện Cư Kuin
- Phía tây giáp huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông
- Phía nam giáp huyện Krông Ana
- Phía bắc giáp các huyện Cư M’gar và Buôn Đôn.
Diện tích của thành phố khoảng 377 km², trong đó diện tích đã đô thị hóa là 100 km².
Dân số toàn thành phố là 502.170 người, với người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 15%. Hơn 80% dân số sống tại khu vực nội thành (tức khoảng 415.610 người).
II. Thông tin, bản đồ quy hoạch thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk
Theo thông tin quy hoạch mới nhất được HĐND tỉnh Đắk Lắk công bố, hướng phát triển chủ yếu của thành phố: Đông, Đông Bắc, Nam và Đông Nam; gắn kết với các trung tâm văn hóa, thể dục thể thao, giáo dục, đào tạo cấp vùng và các buôn làng truyền thống.
1. Thông tin, bản đồ quy hoạch không gian thành phố Buôn Ma Thuột
1.1. Hệ thống trung tâm đô thị
- Hệ thống trung tâm hành chính phân theo cấp tỉnh, cấp thành phố và cấp khu ở;
- Hệ thống trung tâm chuyên ngành phân theo cấp vùng liên tỉnh, vùng tỉnh và cấp đô thị;
- Mô hình hệ thống trung tâm đô thị phải đáp ứng yêu cầu theo tính chất đô thị đã được xác định;
- Phát triển hệ thống cây xanh kết hợp với trung tâm văn hoá, thể dục, thể thao; xác định quy mô để đáp ứng phục vụ cấp vùng;
- Xác định vị trí, tính chất chức năng, quy mô của các trường đại học, trung tâm đào tạo, viện nghiên cứu, trung tâm y tế cấp vùng, cấp tỉnh, cấp thành phố và các trung tâm chức năng chuyên ngành khác. Hình thành một số khu chức năng và trung tâm mới như: trung tâm hội chợ triển lãm, lễ hội truyền thống văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên, trường quay phim, công viên rừng, vườn thú v.v..
1.2. Các khu ở
- Đối với khu phố cũ: chỉnh trang, cải tạo, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô thị, phù hợp với điều kiện phát triển của từng giai đoạn. Nâng cấp, cải tạo các buôn làng truyền thống trong thành phố, tạo sắc thái riêng của vùng Tây Nguyên;
- Đối với khu xây dựng mới: phát triển các khu đô thị mới hiện đại, đồng bộ, với kết cấu hạ tầng theo tiêu chí của đô thị loại 1; tổ chức các khu nhà vườn;
- Nghiên cứu giải pháp duy trì bảo vệ và phát triển các buôn làng truyền thống trong đô thị, phát huy giá trị kiến trúc truyền thống vùng Tây Nguyên, đảm bảo cân bằng sinh thái và vệ sinh môi trường;
- Khu công nghiệp, kho tàng: xây dựng khu công nghiệp, kho tàng tập trung ngoài đô thị; phát triển các khu tiểu thủ công nghiệp của thành phố, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường đô thị.
2. Thông tin, bản đồ quy hoạch giao thông thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk
a) Giao thông đối ngoại: Cải tạo nâng cấp các tuyến quốc lộ trên địa bàn: Quốc lộ 14, Quốc lộ 14C, Quốc lộ 26, Quốc lộ 27, Quốc lộ 29, đường Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn Đông; nâng cấp sân bay Buôn Ma Thuột đạt cấp 4C (theo ICAO); xây dựng mạng đường sắt Tây Nguyên, gồm các trục chính: Đà Nẵng – Kon Tum – Buôn Ma Thuột – Chơn Thành – thành phố Hồ Chí Minh và các tuyến nhánh: Buôn Ma Thuột – Tuy Hòa; xây dựng mạng lưới giao thông đường thủy nội địa.
b) Giao thông nội tỉnh:
- Tỉnh lộ: Quy hoạch đến năm 2030 trên địa bàn toàn tỉnh có 22 tuyến, với quy mô tối thiểu đạt cấp III.
- Huyện lộ: Quy hoạch các tuyến đường huyện đến năm 2030, với quy mô tối thiểu đạt cấp IV.
- Đường nông thôn và đường chuyên dùng quy hoạch đến năm 2030, gồm: Đường xã và đường thôn, buôn, với quy mô đạt tối thiểu đường giao thông nông thôn loại A; đường chuyên dùng nông lâm nghiệp, với quy mô tối thiểu đạt cấp V.